Sản xuất gạo hữu cơ, hướng đi mới cho ngành gạo Việt Nam
Khi kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu đảm bảo sức khỏe của con người ngày càng cần thiết. Vì vậy, đòi hỏi sản xuất nông sản thực phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày cần phải sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Từ đó, yêu cầu về gạo hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam ngày càng tăng.
Gạo hữu cơ là loại gạo được trồng theo phương pháp tự nhiên, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu. Tập trung theo từng vùng quy hoạch sản xuất để giảm thiểu sâu bệnh gây hại cho lúa. Lúa hữu cơ được trồng ở vùng đất sạch, không dư lượng hóa chất, không ô nhiễm, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, các nguồn ô nhiễm khác, ruộng sử dụng phân bón hóa học lâu năm phải được xử lý bằng cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh ít nhất 03 vụ liên tiếp.
Gạo hữu cơ là sản phẩm được Mỹ và Châu Âu cấp giấy chứng nhận là thực phẩm sạch 100% không bị biến đổi gen, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất tẩy trắng, chất tạo màu – hương thơm, không sử dụng chất bảo quản và đặc biệt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Vì vậy, gạo hữu cơ rất được nhiều khách hàng ưa chuộng, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà có cả Mỹ và Châu Âu. Gạo hữu cơ đã được kiểm nghiệm và chứng nhận về mức độ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tại Mỹ, các báo cáo gần đây cho thấy, người tiêu dùng Mỹ gia tăng tiêu thụ gạo hữu cơ rất nhanh với con số tăng hàng năm, sản xuất gạo hữu cơ tại Mỹ lên đến hàng chục ngàn tấn/năm, vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hàng năm, thị trường này phải nhập khẩu gạo hữu cơ từ các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan về phục vụ người dân trong nước. Giống lúa gạo hữu cơ được người Mỹ ưa chuộng nhất hiện nay là các giống lúa gạo thơm được nhập từ các nước như: Gạo của giống lúa Jasmine (Thái Lan), gạo của giống lúa Basmati (Ấn Độ và Pakistan).
Còn tại Nhật Bản, việc sản xuất lúa gạo hữu cơ hiện nay khá phổ biến. Người dân Nhật Bản chủ yếu sử dụng lúa gạo hữu cơ hàng ngày trong các bữa ăn của họ. Tất cả sản phẩm lúa gạo hữu cơ ở Nhật đều được kiểm soát chặt chẽ và sản phẩm làm ra được tiêu thụ trên thị trường đều được truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Người nông dân Nhật Bản tuân thủ quy trình sản xuất nông sản phẩm hữu cơ nói chung, lúa gạo nói riêng rất nghiêm túc. Quan tâm nhất của người nông dân Nhật là thương hiệu, chất lượng sản phẩm để sản xuất nông nghiệp bền vững và có hiệu quả.
Tình hình sản xuất lúa gạo hữu cơ của Việt Nam
Sản xuất lúa gạo hữu cơ tại Việt Nam đang gia tăng mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn, dù giá thành rất cao so với các loại gạo bình thường khác (giá gạo hữu cơ hiện tại ở Việt Nam dao động từ 40-70 ngàn đồng/kg tùy theo chất lượng thơm, ngon, dẻo khác nhau).
Cách đây 3 – 4 năm, Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp có chứng nhận gạo hữu cơ quốc tế, nhưng đến nay đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa gạo hữu cơ. Vì vậy, người tiêu dùng hiện đã có nhiều lựa chọn hơn khi mua gạo hữu cơ về đơn vị cung cấp, chủng loại, giá cả. Ngoài gạo, một số mặt hàng chế biến từ gạo hữu cơ đã ra thị trường phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Gạo hữu cơ trong tương lai gần sẽ là loại gạo được dùng phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam, nhất là vùng thành thị có mức sống cao hơn nhằm nâng cao và bảo vệ sức khỏe.
Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ cả trong nước và trên thế giới ngày càng nhiều. Vì vậy, việc sản xuất lúa gạo hữu cơ là hướng phát triển tất yếu do nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó việc nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất và tổ chức cho nông dân sản xuất lúa gạo hữu cơ quy mô lớn ngoài ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, đất trồng trọt… còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo của người nông dân bằng các giống lúa đặc sản, chất lượng cơm gạo ngon với một quy trình hữu cơ nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm sạch, ngon, bổ dưỡng cho xã hội và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Một số mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ:
- Trồng lúa hữu cơ tại tỉnh Vĩnh Long
Để tạo thế cạnh tranh và cũng là đưa gạo sạch đến người tiêu dùng, nhiều địa phương tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và đã thành công. Trong đó, mô hình sản xuất lúa sạch của HTX Tân Tiến tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được chọn làm mô hình mẫu để nhân rộng.
Qua 3 năm triển khai, mô hình HTX sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc đã mang lại nhiều kết quả tích cực từ hiệu quả kinh tế đến hiệu quả xã hội và môi trường thổ nhưỡng. Cụ thể, năng suất bình quân từ gần 4 tấn/ha trong vụ hè thu 2016 tăng lên hơn 6 tấn/ha vụ Đông Xuân 2017 - 2018. Thu nhập bình quân của các hộ nông dân đạt từ hơn 14 triệu đồng đến hơn hơn 30 triệu đồng/ha. Năm 2017 lợi nhuận ước tính hơn 40 triệu đồng/ha/năm/2 vụ so với năm 2016 chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/ha/năm/vụ. Riêng năm 2018, đạt mức hơn 50 triệu đồng/ha/năm/2 vụ, tăng hơn 10 triệu so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc tổ chức sản xuất lúa sạch hướng hữu cơ đã làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân sinh học có lợi cho môi trường. Tôm cá bắt đầu phát triển trở lại trên đồng lúa; sức khỏe bà con nông dân cũng được cải thiện do không còn dùng thuốc trừ sâu hóa học.
- Trồng lúa hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị
Vụ hè thu 2018 là năm thứ 3 thực hiện biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương với Công ty TNHH sản xuất Thương mại Đại Nam về việc hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ. Đến nay, qua 3 vụ sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ đã thực hiện được 390 ha lúa trên địa bàn các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Vụ hè thu năm 2018, mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ thực hiện đối với 8 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích thực hiện là hơn 142 ha, giống lúa thơm RVT.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Công ty TNHH sản xuất Thương mại Đại Nam tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất gạo hữu cơ, đồng thời xúc tiến để xây dựng nhà máy chế biến gạo hữu cơ Quảng Trị nhằm mục tiêu ổn định đầu ra, phấn đấu đến năm 2020 diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 5.000 - 10.000 ha.
- Trồng lúa hữu cơ tại Hà Nội
Hà Nội hiện có khoảng 100.000 ha đất trồng lúa, trong đó có khoảng 70 ha diện tích được trồng lúa hữu cơ và vẫn đang đẩy mạnh mở rộng thêm. Gạo hữu cơ được bán tại ruộng với giá trung bình 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn gạo thường đến 30% nên việc mở rộng diện tích đang được bà con và các địa phương chú trọng đẩy mạnh.
Theo Cục Trồng trọt, để nhân rộng diện tích lúa hữu cơ trước hết, các địa phương cần lựa chọn vùng sản xuất phù hợp và phải có biện pháp cải tạo vùng sản xuất đó bằng các biện pháp luân canh với các cây trồng khác để làm cho vùng đất đó sạch, không bị nhiễm dư lượng bảo vệ thực vật, các vi sinh vật độc hại. Giá gạo hữu cơ cao hơn gạo thông thường do đó phải chú trọng đến yếu tố thị trường. Các địa phương cần thiết lập mối liên kết, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tình hình tiêu thụ gạo hữu cơ
- Tiêu thụ trong nước
Trước đây, sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước chỉ mới dừng ở nhóm sản phẩm rau quả do nguy cơ cao bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Còn cây lúa canh tác lâu ngày, gạo được nấu thành cơm trước khi ăn nên người tiêu dùng cho rằng an toàn hơn, không có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Nhưng khi có thông tin về việc có những lô hàng gạo xuất khẩu bị trả lại do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến sử dụng nhiều gạo hữu cơ hơn.
Giá gạo hữu cơ có chứng nhận quốc tế bán lẻ tại TP HCM ở các siêu thị, cửa hàng dao động từ 45.000-120.000 đồng/kg. Các sản phẩm gạo lứt, gạo đỏ, gạo tím… có giá cao nhất vì có tính năng hỗ trợ chữa bệnh nhưng thường bị đánh giá là không ngon. Do vậy, tiêu thụ chính vẫn là các dòng gạo trắng hữu cơ, nấu lên cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ, phù hợp với bữa ăn hàng ngày. Một số thương hiệu gạo hữu cơ có chứng nhận đang bán trên thị trường hiện nay như: Gạo Trung An, gạo hữu cơ nhãn riêng của Saigon Co.op, gạo Hoa Sữa, gạo Eco, gạo Orgagro…
Gạo hữu cơ có giá cao hơn so với các loại gạo thường do sản xuất lúa hữu cơ không được dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; phải xây dựng vùng cách ly, đập ngăn nước bên ngoài để khỏi ảnh hưởng đến khu vực sản xuất. Để làm được như vậy thì rất tốn kém; dự tính năng suất lúa 4,5 tấn lúa/ha thì chi phí giá thành gạo đã lên đến 32.000 đồng/kg.
Để khuyến khích nông dân tham gia trồng lúa hữu cơ, nhà bán lẻ phải mua lúa giá cao, đem về chế biến đóng gói có giá thành cao, người tiêu dùng khó chấp nhận.
So với gạo sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP thì năng suất gạo hữu cơ chưa bằng một nửa nên giá thành cao hơn. Ngoài ra, khi nói đến gạo hữu cơ, cần nói đến cả chuỗi từ đồng ruộng, kho chứa đến nhà máy chế biến đều phải đạt chuẩn hữu cơ. Gạo hữu cơ không được xông trùng nên sẽ bị mọt nhanh hơn.
Không chỉ gạo bán trong nước mà giá xuất khẩu gạo hữu cơ cũng chênh lệch rất lớn so với gạo thường, phổ biến là gấp 2-3 lần.